Trong tự nhiên có một bí ẩn lớn của loài ngỗng trời: Khi bay từ phương Bắc về phương Nam xa xôi tránh rét, chúng luôn bay theo hình chữ “V” trông như mũi tên đâm thẳng về phía trước. Vì sao chúng bay như vậy?
Ảnh minh họa
Các nhà khoa học giải thích, khi bay theo hình chữ “V”, đàn ngỗng sẽ tiết kiệm sức lực cho mỗi thành viên so với bay đơn lẻ hay bay không theo hàng ngũ nào. Khi bay, mỗi thành viên đập cánh sẽ tạo nên một luồng không khí chuyển động nhanh, tỏa ra 2 phía cũng như phía sau. Lợi dụng điều đó, thành viên phía sau sẽ tiết kiệm đáng kể sức lực vỗ cánh do lực nâng mà luồng không khí của thành viên phía trước tạo ra. Rất đơn giản.
Nếu vậy, ắt hẳn con đầu tiên sẽ phải bay 100% sức lực vì không thể lợi dụng lực nâng từ con phía trước. Điều này có vẻ không công bằng. Cũng đơn giản thôi, ngỗng trời là một tập thể rất bình đẳng, khi con đầu đàn bị mệt, một con khác phía sau sẽ hoán vị với nó. Quá trình hoán vị diễn ra liên tục.
Trên hành trình bay không thể tránh khỏi có những con bị đuối sức. Khi ấy, những con phía sau sẽ cất tiếng kêu như lời động viên, giúp chúng giữ vững ý chí và nhịp độ bay. Thậm chí nếu một con ngỗng nào kiệt sức, tách khỏi đội hình, hai con ở gần sẽ bay theo để bảo vệ, giúp đỡ nó đến lúc bình phục sức lực, rồi cất cánh và hòa vào một bầy ngỗng khác bay về phương Nam...
Có nhà nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp nói: Hãy học theo cách bay của loài ngỗng trời! Việc chia sẻ khó khăn giữa các cá thể sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả tập thể. Ưu thế sức mạnh tập thể luôn mạnh hơn rất nhiều từng cá thể, đó không phải cấp số cộng mà tăng theo cấp số nhân. Một người vì mọi người, mọi người vì một người - đó là giá trị cốt lõi của mọi tập thể mạnh.