Giá dầu thế giới sụt giảm

 05:00 CH @ Thứ Ba - 03 Tháng Chín, 2019

Giá dầu thế giới giảm trong ngày 2/9 sau khi các mức thuế mới mà Mỹ và Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa của nhau làm dấy lên những quan ngại về tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu thế giới.

Giá dầuBrent giao kỳ hạn tại thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 59 xu Mỹ xuống còn 58,66 USD/thùng, sau khi có lúc được giao dịch ở mức 58,10 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) giảm 33 xu Mỹ xuống còn 54,77 USD/thùng. Hoạt động giao dịch tại thị trường dầu của Mỹ tương đối “èo uột” do ngày 2/9 là Ngày Lễ Lao động của nước này.

Giá dầu thế giới sụt giảm. Ảnh minh họa: Reuters

Kể từ ngày 1/9, Mỹ chính thức áp mức thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có giày, đồng hồ thông minh và máy thu hình màn hình phẳng, trong khi Trung Quốc áp mức thuế mới đối với dầu thô nhập khẩu từ Mỹ. Các động thái này đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột thương mại trong tháng 9/2019. Ông Trump cho biết mục tiêu của ông là giảm sự phụ thuộc về thương mại của Mỹ vào Trung Quốc và tiếp tục hối thúc các doanh nghiệp Mỹ tìm nguồn cung cấp nguyên vật liệu thay thế ngoài Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Harry Tchilinguirian của BNP Paribas, cho dù ông Trump cho rằng các cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra theo dự kiến, thì thị trường dầu vẫn phải “chịu đựng” tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc và đang chờ đợi hành động hỗ trợ nền kinh tế trong nước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi đó, Saudi Arabia ngày 2/9 đã bổ nhiệm ông Yasir al-Rumayyan, người đứng đầu quỹ chủ quyền của nước này, đảm nhận vị trí Chủ tịch tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco thay cho Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih.

Sản lượng dầu trong tháng 8/2019 của các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2019 đến nay khi nguồn cung dầu gia tăng từ Iraq và Nigeria cao hơn mức sụt giảm sản lượng dầu do Saudi Arabia, nước sản xuất dầu hàng đầu trong OPEC, cắt giảm theo thỏa thuận của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trong khi đó, các công ty năng lượng của Mỹ cũng giảm số giàn khoan hoạt động trong tháng thứ 9 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018. Theo báo cáo công bố ngày 30/8 của Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm trong tháng 6/2019, tháng giảm thứ 2 liên tiếp./.

Nguồn:  Anh Quân (Theo Reuters)
Bnews