Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (12/1/1956 - 12/1/2016), Báo Công Thương trân trọng giới thiệu bài viết của Phó bí thư Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Petrolimex Trần Văn Thịnh về công tác kinh doanh xăng dầu cho vùng sâu, vùng xa; nỗ lực cạnh tranh tại vùng kinh tế trọng điểm của Petrolimex.
Gian nan đưa xăng dầu lên vùng cao
Bảo đảm xăng dầu cho vùng sâu, vùng xa
Trong khi nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu không mặn mà đưa xăng dầu lên vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, Petrolimex vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao phó. Tại những nơi khó khăn, hiểm trở, Petrolimex thậm chí chiếm thị phần 100%. Trong khi đó, ở địa bàn thuận lợi - gần đầu nguồn; khu đô thị, trung tâm kinh tế lớn luôn có sự cạnh tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, thị phần của Petrolimex chỉ khoảng 30%.
Ước tính, năm 2015, tổng lượng xăng dầu Petrolimex đưa lên phục vụ bà con nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa bàn miền núi là 960.000 m3, tương đương 12% tổng sản lượng Petrolimex bán ra tại thị trường Việt Nam.
Petrolimex thực hiện nhiệm vụ này do đây là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được trao sứ mệnh bảo đảm xăng dầu cho toàn bộ các nhu cầu của đất nước.
Từ khi thành lập, Petrolimex đảm trách 100% nhu cầu xăng dầu tại Việt Nam. Trong thời kỳ này, xăng dầu mang ý nghĩa vật tư chiến lược, cấp phát theo chỉ tiêu pháp lệnh nhà nước. Petrolimex bảo đảm xăng dầu cho vùng sâu, vùng xa bắt đầu ngay từ những ngày đầu thành lập. Đương nhiên, giai đoạn này có sự hỗ trợ của các hợp tác xã mua bán cấp huyện, xã và thôn, bản. Mặt hàng lúc đó chủ yếu là dầu hỏa, dùng để thắp sáng.
Cho đến những năm 90 của thế kỷ XX, bắt đầu có thêm doanh nghiệp đầu mối khác (SaigonPetro, Petechim...) tham gia xuất nhập khẩu xăng dầu và thiết lập kênh phân phối. Khi đó, thị trường xăng dầu tại Việt Nam bắt đầu hình thành với việc áp dụng cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa thay cho cấp phát theo chỉ tiêu pháp lệnh của giai đoạn trước. Thời kỳ này, bảo đảm nguồn cho vùng sâu, vùng xa được Petrolimex thực hiện thông qua chính sách “chiết khấu ưu đãi”, chủ yếu đối với mặt hàng dầu hỏa.
Hiện nay, xăng dầu được điều hành theo “cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước”. Cả nước có 24 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 14.000 cửa hàng xăng dầu thuộc các thành phần kinh tế cùng tham gia phân phối, lưu thông. Xăng dầu - hàng hóa kinh doanh có điều kiện, vẫn là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống xã hội, an ninh - quốc phòng.
Petrolimex đang là tập đoàn kinh tế được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính trong việc “bảo đảm đủ xăng dầu cho đất nước trong mọi tình huống”. Đây vừa là nhiệm vụ quan trọng đồng thời là vinh dự lớn lao.
Miền núi, hải đảo - những nơi còn có nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên như đi lại không thuận tiện, thiếu điện, thiếu nước, cơ sở hạ tầng còn yếu kém... Do đó, Petrolimex xác định: Bảo đảm xăng dầu cho các vùng kinh tế còn khó khăn rõ ràng là một nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị - xã hội lớn hơn so với câu chuyện về lỗ lãi trong kinh doanh.
Khi nhu cầu xăng dầu của miền núi ngày một lớn về số lượng, chủng loại, Petrolimex đã xây dựng cửa hàng xăng dầu để bà con được trực tiếp sử dụng hàng hóa, dịch vụ Petrolimex. Cụ thể: Bên cạnh xăng dầu còn có dầu nhờn Petrolimex, gas Petrolimex, nước giặt Jana, chuyển tiền nhanh Flexipay, bảo hiểm Pjico,... những mặt hàng, dịch vụ thiết thực với nhân dân vùng cao.
Hành trình gian khó
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, đưa xăng dầu lên vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo gặp nhiều khó khăn so với các địa bàn, khu vực khác. Ví dụ: Đưa xăng dầu từ Kho Xăng dầu K133 (Petrolimex Hà Sơn Bình) lên tới trung tâm huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) có hành trình lên đến 800 km. Những người lái xe Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hà Tây đi hơn 4 ngày mới lên đến nơi. Như vậy, khó khăn đầu tiên là thời gian. Ngoài ra, chi phí vận tải cao hơn hẳn miền xuôi, đó là chưa kể đến rủi ro có thể đến với con người và tài sản do thời tiết và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. So sánh việc vận chuyển từ Kho Xăng dầu K133 nếu đưa đến địa bàn quận Hà Đông thì 1 ngày có thể được 2-3 chuyến (năng suất lao động cao hơn và chi phí vận tải thấp hơn rất nhiều). Tại khu vực phía Nam, lái xe xi téc còn có thể chạy được 3-4 chuyến/ngày.
Bên cạnh đó, đầu tư một cửa hàng xăng dầu quy mô như nhau tại miền núi giá thành cao hơn nhiều so với tại miền xuôi, bởi vật liệu xây dựng (gạch ngói, xi măng, sắt thép)... đưa từ dưới xuôi lên. Thậm chí có nơi còn thiếu cả nước để xây dựng như tại hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Khó khăn trong xây dựng của hàng nhưng khi cửa hàng đi vào hoạt động, sản lượng xăng dầu bán ra không nhiều, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao.
Ước tính, năm 2015, tổng lượng xăng dầu Petrolimex đưa lên phục vụ bà con nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa bàn miền núi là 960.000 m3, tương đương 12% tổng sản lượng Petrolimex bán ra tại thị trường Việt Nam. |
Khó khăn nhưng Petrolimex vẫn quyết tâm đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu tại vùng sâu, vùng xa trên cả nước, nỗ lực để mỗi huyện của tất cả các tỉnh, thành phố có ít nhất một cửa hàng xăng dầu. Tại các cửa hàng này, Petrolimex luôn đảm bảo đủ nguồn cung, phục vụ bà con liên tục, không để xảy ra đứt nguồn, kể cả trong trường hợp thiên tai gây sạt núi, tắc đường.
Sự quyết tâm bắt nguồn từ hai yếu tố: Thứ nhất, nhiệm vụ cần phải nỗ lực hoàn thành để xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước. Thứ hai, tình cảm, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của Petrolimex với nhân dân, với các địa phương. Không thể cứ thấy dễ thì làm, thấy khó là bỏ hoặc né tránh.
Đưa xăng dầu lên miền núi vất vả, gian nan nhưng chúng tôi rất ấm lòng khi được nghe câu nói “Xăng dầu đối với chúng tôi ở đây quý như bát cơm manh áo vậy” của ông Ngô Đức - người dân xã Can Mường, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Tại các địa phương, các đồng chí lãnh đạo luôn ghi nhận Petrolimex ở 2 phương diện bảo đảm nguồn và trách nhiệm xã hội.
Không chỉ bù lỗ để đưa xăng dầu lên núi, tập đoàn, công đoàn cùng các đơn vị thành viên còn có nhiều hoạt động an sinh xã hội hỗ trợ đồng bào các dân tộc, địa phương trong việc “xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững”; đẩy mạnh hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách một cách thiết thực, tự nguyện.
Tiến xa hơn tại khu vực kinh tế trọng điểm
Trong khi tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, kinh doanh gặp khó khăn, chỉ có Petrolimex đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu thì tại những thành phố lớn, sự cạnh tranh diễn ra hết sức gay gắt. Petrolimex đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, “để tiến xa hơn”.
Trước hết, Petrolimex ứng dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), áp dụng phần mềm quản lý cửa hàng xăng dầu (Egas), tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao trình độ nghiệp vụ và xây dựng văn hóa doanh nghiệp Petrolimex trong bán hàng. Đó là nhóm giải pháp về quản lý điều hành và quản trị doanh nghiệp.
Về thương hiệu, Petrolimex công bố và ứng dụng chuẩn mới về nhận diện thương hiệu tại các cửa hàng, kho bể, bến bãi, đến phương tiện vận tải và bảo hộ lao động ... Đây không chỉ đơn thuần là “màu cờ sắc áo” mà còn là tài sản vô hình của Petrolimex; tạo lập sự khác biệt của Petrolimex để khách hàng, người tiêu dùng tìm đúng đến địa chỉ kinh doanh sản phẩm hàng hóa chất lượng. Bên cạnh đó, làm tốt công tác này sẽ góp phần tạo lập minh bạch xăng dầu - một trong những mục tiêu mà Nghị định 84 trước đây, cũng như Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã đề ra. Ngoài ra, Petrolimex cũng đưa ra hệ quy chuẩn nhận diện áp dụng cho hệ thống phân phối gồm đại lý/tổng đại lý và nhượng quyền thương mại. Đây là nhóm giải pháp thứ hai.
Dầu nhờn Petrolimex luôn được khách hàng tin dùng
Nhóm giải pháp thứ ba, Petrolimex kinh doanh không chỉ xăng dầu mà còn có 6 lĩnh vực chuyên ngành ở quy mô tổng công ty trên địa bàn cả nước. Trong đó, nhiều mặt hàng thiết yếu như: Dầu mỡ nhờn, gas, bảo hiểm, chuyển tiền nhanh, bảo hiểm, sơn... Petrolimex chủ trương tích hợp các mặt hàng này tại cửa hàng xăng dầu để trở thành cửa hàng tiện ích. Năm 2015, trên cả nước, thậm chí cả bên Lào, chúng tôi đã mở ngày hội bán hàng hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đồng thời tri ân khách hàng nhân dịp 60 năm ngày thành lập.
Ngoài ba nhóm giải pháp nêu trên, lãnh đạo tập đoàn đã đề ra 10 giải pháp cơ bản trong năm 2015 cũng như phát động các phong trào thi đua sâu rộng để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Sản phẩm của Petrolimex “tiến xa hơn” cũng nhờ yếu tố con người và thương hiệu. Nguồn nhân lực Petrolimex được kế thừa các giá trị quý báu của các thế hệ cha anh, đang phát huy, nâng lên tầm cao mới. Thương hiệu Petrolimex là một trong những thương hiệu lớn của Việt Nam. Tập thể CBCNV-NLĐ Petrolimex đang trân trọng gìn giữ, từng ngày phát huy nâng cao giá trị tài sản vô hình này và bảo vệ nó trước các sự xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Petrolimex, làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của tập đoàn.
Dấu ấn từ sản phẩm ngoài xăng dầu
Không chỉ riêng xăng dầu, nhiều mặt hàng, dịch vụ khác do Petrolimex sản xuất cung cấp như: Dầu mỡ nhờn, gas, bảo hiểm... đã được khách hàng tin tưởng. Sản lượng, doanh thu của các đơn vị thành viên Petrolimex tăng mạnh. Tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu hàng hóa ngày một tăng.
Các lĩnh vực chuyên ngành này đã đóng góp một phần quan trọng và đáng kể vào hiệu quả chung của toàn tập đoàn. Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn được công bố, 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của tập đoàn quý III/2015 đạt 556 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2015, lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn này lên tới 2.242 tỷ đồng. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của tập đoàn tăng do kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của Petrolimex trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh như hóa dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, dịch vụ… tăng so với cùng kỳ năm 2014.
Bí quyết của sự thành công này bắt nguồn ở việc chất lượng hàng hóa, dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, cung cấp thuận tiện và đặc biệt, các công ty thành viên rất chú trọng dịch vụ sau bán hàng; duy trì được mối quan hệ gắn bó với khách hàng, với người tiêu dùng. Một ưu thế nữa là các lĩnh vực chuyên ngành của Petrolimex có tính liên kết, gắn bó cao... Đó chính là sự khác biệt. Sự khác biệt làm nên thành công.
Bên cạnh sự phát triển tự thân, Petrolimex luôn chủ động hợp tác, cùng phát triển. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và hội nhập, cạnh tranh lành mạnh. Petrolimex luôn thể hiện tinh thần “trách nhiệm - nhiệt huyết - lạc quan - tin cậy” - “để tiến xa hơn” với nhiều đổi mới và sáng tạo.
Sản phẩm của Petrolimex “tiến xa hơn” cũng nhờ yếu tố con người vàthương hiệu. Nguồn nhân lực Petrolimex được kế thừa các giá trị quý báu của các thế hệ cha anh, đang phát huy, nâng lên tầm cao mới. |